1. Tập suy nghĩ bằng tiếng Trung sẽ giúp bạn phản xạ nhanh hơn khi giao tiếp
Nếu bạn tư duy bằng tiếng Việt rồi sau đó cố diễn đạt nó bằng tiếng Trung, bạn sẽ luôn phải dịch qua lại giữa hai thứ tiếng đó, mà dịch thuật lại vốn chẳng phải việc dễ dàng gì. Ngay cả những người thành thạo hai hay nhiều ngôn ngữ cũng mắc phải vấn đề tương tự như vậy.
Phương pháp này giúp việc nói tiếng Trung trở nên đơn giản hơn do việc tư duy của bạn đã thành phản xạ, có hệ thống.
Bạn có thể làm điều này ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Cố gắng sử dụng tiếng Trung để suy nghĩ bất cứ việc gì trong cuộc sống hằng ngày của bạn.
Hãy bắt đầu từ những thứ dễ dàng xung quanh bạn hiện tại với những câu đơn giản nhất.
Bạn không nhất thiết phải nghĩ ngay một câu dài. Hãy bắt đầu bằng những câu ngắn gọn và đơn giản nối tiếp nhau. Dần dần khi bạn đã quen với điều đó, hãy thử với những câu dài hơn.
2. “Tự độc thoại ” với mình ngay khi có thể giúp bạn bước đầu thoải mái hơn khi nói
Điều này nghe có vẻ hơi lạ một chút nhưng lại là một ý kiến hay. Một khi bạn đã có thể tư duy dễ dàng bằng tiếng Trung rồi thì hãy cố gắng nói suy nghĩ ấy ra. Hãy biến những suy nghĩ ấy thành lời. Bạn có thể thực hiện mọi nơi mọi lúc: ở nhà cũng như một mình ở nơi nào khác.
Khi đọc bạn cũng phải làm như vậy. Thậm chí ngay cả khi không có ai ở đó để chỉnh sửa nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy thoải mái, không còn ngại ngùng và cảm thấy tự tin hơn.
Ban đầu hãy nói chậm nhưng phải thật chuẩn, và nói đi nói lại nhiều lần, khi đã quen hãy nâng tốc độ nói lên.
Bạn cũng muốn người đối diện có thể hiểu được mình nói gì chứ? Vậy hãy tập phát âm chuẩn ngay từ bước này.
3. Tập trung vào việc nói trôi chảy và không quan tâm đến ngữ pháp giúp bạn tăng khả năng giao tiếp
Bạn có để ý rằng trong quá trình nói và phát âm, bạn thường ngừng lại bao nhiêu lần không?
Cứ mỗi một lần như thế, bạn sẽ lại bị “tiêu bớt” đi một chút tự tin và cảm thấy không còn thoải mái như lúc đầu nữa. Vẫn áp dụng bài tập diễn thuyết trước gương ở trên, bây giờ bạn hãy đặt ra thách thức cho chính bản thân mình: phải nói mà không ngừng lại hay lắp bắp trong suốt quá trình đó.
Điều này có nghĩa là các câu của bạn sẽ không hoàn hảo về mặt ngữ pháp, nhưng không sao hết! Nếu bạn tập trung vào việc nói trôi chảy thay vì nói đúng, bạn sẽ vẫn hiểu và nghe tốt hơn.
4. Lắng nghe và “nhại theo” giúp bạn cải thiện giọng nói, tạo được sự cuốn hút cho người nghe
Bạn thường xuyên xem các chương trình truyền hình hay video tiếng Trung trên Youtube chứ? Hãy tận dụng chúng để cải thiện khả năng giao tiếp lưu loát của bạn.
Bạn hãy chọn một phần/đoạn ngắn của chương trình mà bạn thích, nghe và nhắc lại từng câu một. Cố gắng khớp cả âm sắc, tốc độ và thậm chí là cả lối diễn đạt (nếu có thể).
Nếu có bỏ lỡ một vài từ thì cũng không vấn đề gì, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục nói. Hãy tìm cách để giọng của bạn giống như người bản ngữ trong chương trình đó.
Bạn có thể sử dụng máy ghi âm để thu âm giọng nói của mình, sau đó so sánh với cách phát âm của đoạn gốc để tìm lỗi sai.
Kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần để tìm ra âm chuẩn xác. Việc này yêu cầu một quá trình dài và không thể nóng vội được. Bạn cần chú ý đến dấu nhấn của từ, sự nối âm và cả ngữ điệu khi phát âm tiếng Trung.
Bạn sẽ dễ dàng học được ngữ điệu, và cả cách sử dụng từ ngữ, cách nói khéo léo, rất tốt cho việc nâng cao khả năng nghe và giao tiếp của bạn.
5. Hát theo những bài hát tiếng Trung yêu thích giúp bạn nói tiếng Trung thêm lưu loát
Học tiếng Trung qua bài hát thường là việc đầu tiên mà ai cũng làm. Bạn có biết nó rất hữu ích không?
Khi nghe một bài hát yêu thích, chúng ta sẽ ngân nga theo giai điệu đó, đó chính là lúc bạn có thêm động lực học và luyện tập để có thể thoải mái hát vang bài ca mình yêu thích mà không sợ người khác chê cười.
Học tiếng Trung qua bài hát giúp bạn tích lũy vốn từ vựng, học thêm về ngữ pháp và tìm hiểu cách phát âm để giao tiếp trong đời sống hàng ngày.
Có thể các bài hát sẽ lược bớt một vài yếu tố trong ngữ pháp sử dụng nhưng như vậy không có nghĩa ngữ pháp đó là sai. Ngược lại, bạn sẽ phải tìm hiểu cho ra cấu trúc ngữ pháp chuẩn đã được lược bớt như thế nào và từ đó chủ động ghi nhớ cấu trúc này.
Cách học chủ động và tự mình tìm hiểu lúc nào cũng giúp người học nhớ lâu hơn nhiều so với cách học bị động, kiến thức được cung cấp sẵn bởi người khác.
Hơn nữa, dù ngữ pháp không hoàn hảo nhưng lời bài hát là nguồn từ vựng tiếng Trung rất phong phú. Học thuộc lời bài hát giúp bạn học được không ít từ vựng, thậm chí cả các thành ngữ hay từ lóng gần gũi để có thể giao tiếp như người bản ngữ.
6. Học một vài câu nói mà bạn thường dùng giúp bạn dễ dàng giao tiếp hơn
Học một vài câu mà bạn thường dùng không chỉ dễ dàng biểu đạt suy nghĩ của mình cho đối phương, tạo nên bản sắc riêng của bạn mà người bản xứ sẽ cho rằng bạn khá “sành” ngôn ngữ của họ.
Hãy dành ra một chút thời gian để ý xem bạn thường hay nói như thế nào trong tiếng Việt. Tìm xem đâu là những câu nói mà bạn hay dùng trong giao tiếp hàng ngày. Những từ và cụm từ mà bạn sử dụng thường xuyên nhất là gì?
Giờ bạn hãy tìm xem những từ và cụm từ ấy trong tiếng Trung nói như thế nào. Nắm được chúng bằng tiếng Trung sẽ giúp bạn nói tốt như khi nói tiếng Việt.
7. Giữ tâm thế thoải mái khi nói tiếng Trung
Sợ sai và không trân trọng tiến bộ của bản thân là thói quen của rất nhiều người. Chẳng có ai mà không “vấp đĩa” khi nói. Bạn nên biết tất cả những người giỏi ngoại ngữ đều trải qua giai đoạn này.
Nói tiếng Trung có trôi chảy hay không phụ thuộc vào quyết tâm của bạn. Bạn có thể trở thành đồng minh tốt nhất hoặc kẻ thù tệ hại nhất của bản thân mình. Hãy đặt mình vào vị trí người nghe.
Khi nghe một người nước ngoài nói tiếng Việt bạn cũng chỉ chú ý đến từ ngữ và hiểu được mà thôi.
Chính vì thế:Hãy tin vào bản thân! Tôi biết điều này rất khó, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng về âm điệu khi nói. Cứ thoải mái đi!
Giữ tâm thế thoải mái khi nói tiếng Trung.
Nếu bạn gặp khó khăn hay thấy bối rối, chỉ cần hít một hơi thật sâu và bắt đầu lại. Nếu cần hãy nói chậm hơn. Hãy tạm ngưng một chút trước khi nói câu tiếp theo. Hãy cứ để mọi thứ trôi theo dòng nước, thuận theo tự nhiên, các câu từ sẽ tự động đến với bạn.
Hãy cứ làm những gì cần thiết để khiến bản thân mình thoải mái hơn khi nói tiếng Trung.
8. Kể một câu chuyện bằng tiếng Trung tập cho bạn thói quen nói được nhiều câu liền mạch
Những người học nói tiếng Trung thường mắc lỗi là nói câu quá ngắn và thiếu thông tin. Chính vì thế ghi nhớ một câu chuyện và kể lại nó bằng tiếng Trung sẽ giúp bạn luyện được các cách nối câu từ dài và liền mạch.
Sau đây là một cách rất thú vị để kiểm tra xem khả năng nói tiếng Trung của bạn tiến bộ ra sao: chọn một câu chuyện mà bạn yêu thích hay những mẩu chuyện ngắn “Quà tặng cuộc sống” hay những câu chuyện ngắn tiếng Trung đơn giản, sau khi hiểu hết và nắm rõ được cốt truyện thì hãy tự mình kể lại nó bằng tiếng Trung với giọng điệu của chính mình.
Nhớ rằng tư duy bằng tiếng Trung trong khi kể chuyện. Tập trung vào việc nói trôi chảy thay vì nói một cách chính xác. Nói từng câu theo cách của riêng bạn.
Ngay cả khi chẳng có ai để trò chuyện cùng thì bạn vẫn có thể tự mình gây dựng lòng tự tin và làm chủ tiếng Trung cực trôi chảy.